Chăm sóc hoa Mai đón Tết

1 comment
    Những ngày cuối năm, khi không khí Noel đang tràn ngập khắp những con hẻm nhỏ của Sài Gòn cũng là lúc những người trồng hoa mai bắt đầu những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho mùa vụ lớn nhất trong năm - hoa đón Tết. Cũng như những giống hoa cảnh khác, để có một cây mai vàng đẹp, nở đúng thời điểm đòi hỏi người trồng mai phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mẩn suốt cả năm và trên hết là đúng kỹ thuật. Với mục đích giúp bạn đọc cũng như người làm vườn có những cây mai đẹp như ý, bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin cơ bản nhất về kỹ thuật chăm sóc mai vàng đón Tết.

mai vàng bonsai

Mai là loài cây rất dễ trồng, nhưng để có những cây mai đẹp, nở trúng tết thì đúng là một tuyệt kỹ công phu. Nhất là khi bạn trồng nhiều. Một cây mai vàng đẹp nở rộ là thành quả của cả một quá trình bao gồm rất nhiều công đoạn, từ bón phân, lên luống, đến tỉa cành, lặt lá... Từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch,để chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa, cần giảm lượng phân (nhất là các loại phân có hàm lượng đạm (N) cao) và nước tưới để hạn chế sự tăng trưởng của cây để chuẩn bị cho bước lặt lá. 

Để mai ra hoa đúng dịp Tết
Muốn mai vàng ra hoa đúng thời điểm cần áp dụng đồng bộ 3 bước: Bón phân - Tưới nước - Lặt lá. Trong đó lặt (lẩy) lá là công đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến việc mai có nở hoa đúng dịp hay không.
Muốn hoa mai nở đúng ngày Tết thì cần chú ý: Công đoạn lặt lá được bắt đầu tiến hành từ mồng 8 tới 23 tháng Chạp tùy theo kích thước nhỏ hay lớn của nụ hoa và sự chuyển biến của thời tiết.

kỹ sư cảnh quan Trần Triệu Vỹ

* Dự đoán hoa cái bung vỏ lụa trước “tết Ông Táo”
Từ 7-10 tháng 12 âm lịch, thấy mai sung sức, lá úa sắp rơi rụng, cây đã có nụ lớn (độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa), thời tiết dự báo nắng ấm thì mai sẽ nở sớm. Do vậy, đối với mai vàng 5 cánh cần tiến hành lặt lá vào khoảng ngày 18 - 20 cùng tháng. Đồng thời ngưng tưới nước một ngày, rồi tưới thêm phân NPK loại 5-0-2 hoặc U-re loãng theo công thức : một muỗng cà phê phân ( 10gr) cho 8 lít nước, cứ 5 ngày thì tưới một lần rồi sau đó tưới nước bình thường. Hoặc cũng có thể dùng vải đen trùm cây mai lại. Trong suốt thời gian này cho đến 23 tháng 12 ÂL, nếu thấy mai có lá non nhiều quá thì nên lấy kéo nhỏ tỉa bỏ bớt.

* Dự đoán hoa bung vỏ lụa sau "tết ông Táo"
Cùng trong khoảng thời gian này( ngày 7-10/12 ÂL), nếu cây mai không sung sức, mới xuất hiện nụ nhỏ, dự báo rét kéo dài thì phải tiến hành lặt lá vào khoảng ngày 13-16 tháng Chạp. Đối với mai nhiều cánh cần lặt lá sớm hơn so với mai 5 cánh từ 4-6 ngày. Trước khi lặt lá cần ngừng tưới nước 1-3 ngày để lá bắt đầu đanh lại, gân lá nổi lên thì lặt, đồng thời tưới lại thật đẫm và phun phân bón lá cho cây. Nên tưới thúc thêm phân NPK loại 10-55-10 cũng với công thức 10gr phân/8L nước, 5 ngày tưới 1 lần, sau đó lại tưới nước bình thường. Đến 23/12 ÂL, hoa nở bung vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng dịp Tết. Lúc này, chúng ta nên đổi sang loại phân NPK 6-30-30 để giữ cho bông hoa to, đẹp và lâu tàn. Có một lưu ý nhỏ khi tưới nước là: nóng thì hoa nở sớm, do đó không tưới nước vào sáng sớm và chiều mát nữa, mà phải tưới nước vào giữa trưa, hoặc tưới nước ấm trong khoảng 30-40C.

  Như vậy, từ ngày 10 tháng Chạp chúng ta nên quan sát nụ hoa từng cây mai lớn nhỏ ra sao rồi kết hợp với thời tiết để tính toán ngày nào tiến hành lặt lá, kết hợp bón phân, kiềm nước ra sao. Việc tính toán sao cho đúng "tết ông Táo" (ngày 23 tháng Chạp), hoa cái bung vỏ lụa là chắc chắn hoa nở đúng Tết.
Chúc các bạn có một mùa hoa mai như ý !


Người làm vườn

1 nhận xét: